Các giải pháp xử lý vận tốc bằng cơ khí
Trong thực tế, vận tốc quay của máy công tác có thể bằng, có thể nhỏ hơn có thể lớn hơn vận tốc quay của động cơ điện với vận tốc quay của máy công tác. Có thể tạm chia cơ cấu truyền động ra làm 2 loại là loại có khớp nối cứng và loại có khớp nối mềm.
Khớp nối cứng là khớp nối mà trục quay của máy công tác được gắn nối tiếp với trục quay của động cơ điện. Loại này được áp dụng trong trường hợp vận tốc quay của động cơ điện bằng vận tốc quay của máy công tác và thường thấy ở các máy công tác có động cơ từ 10Kw trở lên ( máy thủy lực, băng chuyền, máy cán kéo kim loại...) Dùng khớp nối cứng có các ưu điểm: cơ cấu truyền động đơn giản, nhỏ gọn, thích hợp với tải lớn nhưng yêu cầu về độ đồng trục giữa trục động cơ và trục máy công tác rất nghiêm ngặt. Nếu không sẽ có dao động phụ gây rung, lắc và phát sinh tiếng ồn lớn.
Khớp nối mềm là khớp nối mà trục quay của máy công tác đặt song song với trục quay của động cơ điện.Việc truyền động giữa động cơ điện và máy công tác được thực hiện bằng băng đai hoặc xích tải. Trong trường hợp vận tốc quay giữa máy công tác và động cơ điện chênh lệch nhau không nhiều người ta thường dùng dây curoa hoặc xích tải truyền động trực tiếp từ trục quay của động cơ điện sang trục quay của bánh công tác. Nếu dùng dây curoa thì việc phối hợp giữa vận tốc quay của động cơ điện và máy công tác được thực hiện bằng cách thay đổi đường kính puli của chúng.
Nếu dùng xích tải thì việc phối hợp giữa vận tốc quay của động cơ điện và máy công tác được thực hiện bằng bánh răng (nhông). Các loại bánh răng này có thể tìm thấy dễ dàng tại các bãi phế liệu với giá rẻ, chất lượng tốt. Nếu kích thước lỗ của bánh răng không phù hợp với đường kính trục máy thì có thể xử lý bằng phương pháp khoét hoặc đóng sơ mi cho bánh răng.
Trường hợp vận tốc quay của động cơ điện và máy công tác chênh lệch nhau quá lớn thì người ta phải đặt vào giữa động cơ điện và máy công tác một bộ chuyển đổi vận tốc.. Bộ này có thể là loại tăng tốc, có thể là loại giảm tốc nhưng thông dụng là loại giảm tốc nên người ta quen gọi bộ chuyển đổi vận tốc là hộp giảm tốc.Nguyên tắc hoạt động của hộp giảm tốc là dùng các bánh răng trung gian có số răng khác nhau để thay đổi hệ số truyền từ động cơ sang máy công tác. Đa số các hộp giảm tốc thay đổi hệ số truyền bằng bánh răng đều cho ra một loại vận tốc. Đôi khi, người ta cũng chế tạo loại hộp giảm tốc cho ra 3,4,5,6 loại vận tốc.Khi đó người ta dùng li hợp (côn) và cần số để thay đổi các bộ bánh răng trung gian.
Hộp giảm tốc có loại độc lập, có loại gắn liền với động cơ điện. Nếu gắn liền với động cơ điện thì trên etyket sẽ có ghi cả vận tốc quay của trục động cơ lẫn vận tốc quay của trục giảm tốc.Trong lắp đặt chỉ cần biết vận tốc quay trên trục giảm tốc là đủ.Loại gắn liền với động cơ điện còn có loại có khả năng điều chỉnh vận tốc trơn và mịn trong một khoảng nhất định gọi là động cơ điện vô cấp. Khi đó thay vì dùng các bộ bánh răng trung gian để thay đổi vận tốc, người ta thay đổi độ bám của các đĩa ma sát để thay đổi vận tốc. Loại này thuận tiện trong sử dụng và lắp đặt nhưng đắt và không bền
Theo như tính toán, đường kính puli lắp trên trục máy công tác sẽ lớn gấp 7 lần đường kính puli lắp trên trục ra của hộp giảm tốc. Khi đó cần cực tiểu hóa kích thước puli lắp trên trục ra của hộp giảm tốc theo đường kính trục rồi chế tạo puli lắp trên trục máy công tác theo tính toán trên. Muốn giảm đường kính puli lắp trên trục máy công tác thì thay đổi hệ số truyền động giữa động cơ điện và trục hộp giảm tốc. Lúc đó, đường kính puli lắp trên trục vào hộp giảm tốc sẽ lớn gấp đôi đường kính puli lắp trên trục động cơ điện và đường kính puli lắp trên trục máy công tác sẽ lớn gấp 3,5 lần đường kính puli lắp trên trục ra của hộp giảm tốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét