Giới thiệu một số phương pháp khuấy trộn chất lỏng phổ biến nhất hiện nay
Để chuẩn bị dung dịch thể huyền phù trong môi trường lỏng hoặc trao đổi nhiệt, người ta thường dùng các loại thiết bị khuấy trộn mà trong đó tạo nên điều kiện tiếp xúc vật chất tốt nhất.
Phương pháp và thiết bị khuấy trộn phụ thuộc vào trạng thái phần tử cần khuấy trộn. Quá trình khuấy trộn trong môi trường lỏng là sự dịch chuyển vật chất từ pha rắn hoặc pha khí vào pha lỏng và được thực hiện bằng các phương pháp sau đây:
+ Khuấy trộn bằng máy khuấy
+ Khuấy trộn bằng khí nén
+ Khuấy trộn bằng bơm tuần hoàn
+ Khuấy trộn bằng vách ngăn
Đặc tính cơ bản của các thiết bị khuấy trộn là hiệu suất thiết bị và cường độ hoạt động của nó. Hiệu suất khuấy trộn đặc trưng bằng độ đồng nhất của hệ phân tán, phụ thuộc không những vào cấu tạo thiết bị mà còn vào năng lượng tiêu thụ. Cường độ khuấy trộn được xác định bằng thời gian đạt được dung dịch hoặc hỗn hợp mong muốn. Cường độ khuấy trộn càng lớn, thời gian đạt được sự phân bố đồng nhất theo yêu cầu càng nhỏ và công suất thiết bị càng cao. Khi khuấy trộn bằng cánh khuấy sẽ phân ra hai loại chế độ thủy động học: chảy tầng và chảy rối. Chế độ chảy tầng tạo nên sự khuấy trộn không lớn và chất lỏng sẽ được quay theo chiều quay cánh khuấy và sau đấy được trộn với lớp chất lỏng khác trong thùng trộn. Năng lượng tiêu thụ cho cánh khuấy trong trường hợp này không cao. Khi tốc độ quay tăng lên, chế độ chảy rối xuất hiện. Mức độ khuấy trộn vật liệu với dung dịch tăng lên. Tuy nhiên, để tăng số vòng quay của cánh khuấy, công suất động cơ đòi hỏi tăng lên rất nhiều.
Khuấy trộn bằng khí nén ( khí trơ hoặc không khí) được ứng dụng khi chất lỏng có độ xâm thực cao và dễ ăn mòn vật liệu cánh khuấy. Hiệu quả khuấy trộn bằng khí nén thấp và tiêu thụ năng lượng lớn. Người ta không dùng khí nén để khuấy trộn chất lỏng chứa các phần tử dễ bay hơi. Lượng không khí sử dụng để khuấy trộn thường từ 0.5÷1 m3/phút cho 1m2 bề mặt thùng trộn.